Apple không trang bị cục sạc và tai nghe cho iPhone 12: Có thật là vì môi trường?

Apple không trang bị cục sạc và tai nghe cho iPhone 12: Có thật là vì môi trường?

19-10-2020 Lượt xem: 1,974
4/5 (1,010 lượt)

iPhone 12 đã chính thức trình làng cách đây chưa đầy một tuần. Háo hức, trầm trồ và tò mò, đó là phản ứng của hầu hết người dùng. Nhưng bên cạnh đó, có không ít tín đồ công nghệ băn khoăn, mà điều gây khó hiểu ở đây là Apple không đính kèm cục sạc và tai nghe trong hộp đựng sản phẩm cho chiếc điện thoại mới nhất của hãng.

Theo đánh giá của tờ The Verge, đó là một quyết định khôn ngoan về mặt chiến lược kinh doanh. Còn việc nó góp sức bảo vệ môi trường (như lời Apple) như thế nào, đó vẫn là câu hỏi khó. The Verge nhận định, bước đi này giúp tiết kiệm chi phí cho công ty, nhưng một số lợi ích về môi trường có thể bị lu khi người dùng phải mua riêng tai nghe và bộ sạc.

Trong sự kiện diễn ra vào hôm 13/10, Apple đã đưa ra một thông báo quan trọng. Khác với những mẫu điện thoại trước đó, iPhone 12 sẽ chỉ được đính kèm một cáp USB-C to Lightning trong hộp sản phẩm. Táo khuyết cho biết việc loại bỏ cục sạc gắn tường và tai nghe có thể giúp hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, giảm thải khí carbon làm Trái đất nóng lên.

Apple không cung cấp cục sạc và tai nghe trong hộp đựng sản phẩm iPhone 12.

Apple không cung cấp cục sạc và tai nghe trong hộp đựng sản phẩm iPhone 12.

Apple từng nhận được lời tuyên dương từ một số nhóm bảo vệ môi trường nhờ cắt giảm rác thải điện tử. Đây là vấn nạn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Táo khuyết đã xử lý vấn đề này xuyên suốt nhiều dòng thiết bị mới. Thông báo nói trên của Apple cho thấy hãng đang tiến gần tới mục tiêu trở thành một công ty thân thiện với môi trường, và tuân theo cam kết mà họ đã đưa ra vào tháng 7 là hạn chế phát thải khí nhà kính.

“Họ bán mẫu điện thoại mới như một quy tắc thân thiện với môi trường”, Angelo Zino – chuyên gia phân tích công nghiệp cấp cao thuộc công ty Nghiên cứu Đầu tư CFRA Research nhận định.

Song, động thái cắt giảm chất thải của Apple cũng là một hành động có giá trị về mặt tài chính.

Sự chuyển đổi sang 5G là lý do quan trọng khiến Apple phải tiết kiệm chi phí, bằng cách cung cấp ít phụ kiện hơn cho các mẫu điện thoại – chuyên gia công nghệ nói với The Verge. Lần đầu tiên, toàn bộ mẫu điện thoại mới của Táo khuyết sẽ hỗ trợ 5G. Điều đó khiến chi phí sản xuất iPhone 12 tốn kém hơn nhiều so với iPhone 11, bởi các thành phần hỗ trợ 5G phức tạp và đòi hỏi số tiền đầu tư cao hơn.

Zino ước tính rằng chỉ riêng các thành phần tần số vô tuyến trong chiếc iPhone 12 mới cũng đã có mức giá đắt hơn từ 30 đến 35% so với những thứ mà hãng trang bị trên các đời iPhone cũ hơn. “Apple đang tìm cách cắt giảm chi phí ở những bộ phận khác của chiếc điện thoại”, anh nói.

Quyết định không đính kèm cục sạc và Airpod ở chiếc iPhone mới là một cách để hiện thực hóa mục tiêu ấy. Gene Munster, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Loup Ventures, cho biết điều đó chỉ có thể nâng tổng lợi nhuận trên mỗi điện thoại của công ty lên hơn 1%. “Tôi thường nghĩ về điều này như một động thái để duy trì lợi nhuận hiện tại trên chiếc điện thoại,” Munster nhận định.

Hãng đưa ra phương án sản xuất vừa có lợi cho kế hoạch kinh doanh, vừa bảo vệ môi trường, dường như là win-win (đôi bên cùng có lợi), nhưng chỉ trong trường hợp, Apple đang giả định rằng những người mua iPhone mới đã có sẵn tai nghe và bộ sạc cũ để sử dụng thay thế.

Nếu người dùng vẫn quyết định mua Airpod vì họ chưa sở hữu tai nghe thì đây có thể được coi là thắng lợi cho Apple, nhưng với hành tinh của chúng ta thì không. Nếu năm nay Táo khuyết bán được số lượng điện thoại xấp xỉ năm 2018 – khoảng 217 triệu chiếc – và chỉ 5% trong số những người đó quyết định thêm Airpod vào giỏ hàng, công ty đã có thể kiếm thêm 700 triệu USD lợi nhuận gộp, theo Munster.

Vấn đề ở đây là, mua riêng cục sạc và tai nghe đồng nghĩa với việc phát sinh thêm rác thải và khí thải khi đóng gói cho việc phân phối riêng biệt. Một vài trong số đó có thể tăng lượng khí thải carbon của Apple, trong khi số khác lại tăng lượng khí thải ở công ty khác nếu các tín đồ công nghệ quyết định mua phụ kiện từ các nhà cung cấp khác. Điều đó không giúp giảm tổng lượng khí thải. Nó chỉ chuyển việc phát tán khí nhà kính từ công ty này sang công ty khác.

Avi Greengart – nhà sáng lập kiêm chuyên gia phân tích hàng đầu tại công ty tư vấn Techsponential nhận xét: “Đây sẽ là lợi ích to lớn, chí ít là trong một thời gian ngắn, đối với các nhà sản xuất phụ kiện – những người sẽ bán bộ sạc USB-C”.

Đó là do cáp được đính kèm iPhone 12 không tương thích với cục sạc của các đời iPhone cũ. Những khách hàng không sở hữu cục sạc tương thích sẽ phải mua bộ sạc USB-C gắn tường hoặc bộ sạc không dây để có thể sử dụng chiếc điện thoại mới của mình.

Có một nguyên nhân khác khiến việc cắt giảm phụ kiện có thể không mang lại hiệu quả giảm thiểu khí nhà kính cao như Apple kỳ vọng. Bao bì của iPhone 12 sẽ có kích thước nhỏ hơn vì hộp chứa ít đồ hơn. Điều đó cho phép thêm 70% số hộp được vận chuyển trên tấm nâng hàng, theo như hãng phát biểu. Táo khuyết cho biết việc có nhiều hộp hơn trên mỗi tấm nâng hàng sẽ giúp giảm số lượng chuyến giao hàng và giảm thiểu ô nhiễm từ các ống thải. Sara Behdad - Phó Giáo sư Khoa học kỹ thuật Môi trường tại Đại học Florida lại nhận định rằng đời không như mơ.

Apple cắt giảm phụ kiện đi kèm mẫu điện thoại mới vì phải tiết kiệm chi phí?

Apple cắt giảm phụ kiện đi kèm mẫu điện thoại mới vì phải tiết kiệm chi phí?

Nhiều không gian hơn trên tấm nâng hàng không có nghĩa là nó sẽ được lấp đầy. “Việc vận chuyển tới cửa hàng phụ thuộc vào nhu cầu”, Behdad nói. Mật độ được lấp đầy của tấm nâng hàng có thể phụ thuộc vào số lượng cuộc gọi đến từ nhà bán lẻ, vào suy nghĩ họ sẽ bán được bao nhiêu và diện tích lưu trữ còn trống. Một bao bì nhỏ gọn hơn không chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu đáng kể lượng khí thải vận chuyển.

Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo ra chìa khóa phát triển bền vững cho công ty. Behdad cho biết: “Thật sự rất khó để có thể đưa ra tuyên bố cụ thể về mức độ bền vững của một sản phẩm cụ thể. Những tính năng mới (được cho là giúp sản phẩm trở nên bền vững hơn) khiến chúng ta phải đặt ra vô vàn câu hỏi”.

Sự không chắc chắn đó tạo chỗ trống cho sự hoài nghi – đặc biệt là khi đề cập đến những thay đổi gia tăng nhằm giải quyết vấn đề mang tính vĩ mô như biến đổi khí hậu hay rác thải điện tử.

“Việc bán iPhone 12 mới đi kèm hoặc không đi kèm tai nghe hay cục sạc đưa chúng ta đến câu hỏi lớn: Tại sao Apple và các công ty điện tử khác không chịu trách nhiệm lớn hơn cho việc tái sử dụng và tái chế các sản phẩm của họ, khi mà phần lớn chúng vẫn đang được xử lý ở Mỹ và trên toàn cầu?”, Scott Cassel, CEO của Viện Quản lý Sản phẩm phi lợi nhuận, viết trong email gửi cho tờ The Verge.

Cassel nói rằng Apple sẽ có khả năng tác động sâu rộng hơn nếu họ sản xuất sản phẩm dễ “tân trang” hơn, để chúng không trở nên lỗi thời và cũ nát sau vài năm. Chẳng hạn, Airpod của Táo khuyết dường như có tuổi thọ ngắn hơn so với tai nghe truyền thống bởi rất khó để thay thế pin lithium-ion bên trong.

Thông báo mà Apple đưa ra vào hôm 13/10 chỉ là một trong những bước tiến nhỏ mà hãng đã thực hiện trong cuộc chiến vì môi trường. Hồi tháng 7, Táo khuyết cam kết loại bỏ khí thải carbon vào năm 2030 và ra mắt một robot mới có tên "Dave" giúp tháo rời iPhone cũ và thu hồi các vật liệu có thể tái sử dụng.

Zino nhận định: “Về mặt lịch sử, tôi có cảm giác như Apple là cái tên được nhắc đến đầu tiên nếu đề cập về biến đổi khí hậu. Sức ảnh hưởng của công ty lên ngành công nghiệp và hành vi khách hàng kéo về cho họ nhiều trách nhiệm. Có rất nhiều thứ để họ có thể làm”.

4/5 (1,010 lượt)

Bài viết liên quan


0913.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0913.111111