Người khiếm thính bị mạng xã hội bỏ quên?

Người khiếm thính bị mạng xã hội bỏ quên?

21-12-2020 Lượt xem: 2,060
4/5 (1,019 lượt)

Hai nhân viên của Twitter - Aliza Rosen và Ikuhiro Ihara từng viết trong một bài đăng blog của công ty vào năm 2017: “Cố gắng nhồi nhét suy nghĩ của bạn vào một dòng Tweet. Tất cả chúng ta đều ở đó, và đó là một nỗi đau”. Nền tảng Twitter thông báo sẽ loại bỏ giới hạn 140 ký tự và thay vào đó, nhân đôi nó lên nhằm cung cấp cho người dùng “nhiều ký tự hơn để thể hiện cảm xúc của bản thân”.

3 năm sau, giới hạn đó lại bị chỉ trích. “Đôi khi, 280 ký tự vẫn không đủ và một số sắc thái hội thoại biến mất trong bản dịch. Vì vậy, bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ thử nghiệm tính năng mới, cho phép người dùng đăng tweet bằng giọng nói”, đại diện Twitter viết trong một bài đăng vào hồi tháng 6 năm nay.

Tính năng này đã mở rộng sức sáng tạo cho người dùng phổ thông, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận tới nhóm người khiếm thính và khuyết tật. Một số tài khoản chọn tải âm thanh lên mà không cần chú thích. Tuy nhiên, công cụ chuyển đổi chúng sang hình thức mà người khiếm thính có thể hiểu được vẫn chưa xuất hiện.

Với sự ra đời của những hình thức ngắn gọn như Story (Facebook) và Reels (Instagram), người dùng mạng xã hội muốn trải nghiệm tính năng cho phép kích hoạt các cuộc đối thoại giàu ý nghĩa hơn và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, sự tức thời đó đã khiến một số người đánh mất quyền tiếp cận.

Ashlee Boyer - một kỹ sư phần mềm khiếm thính và là cá nhân ủng hộ nhóm người khuyết tật chia sẻ: “Tôi ngay lập tức cảm thấy bị bỏ rơi. Đó là một minh chứng khác cho thấy mọi người hoàn toàn quên đi sự tồn tại của người khuyết tật. Thật đau đớn! Khả năng tiếp cận không được xây dựng trong ngành công nghiệp này giống như nó nên và có thể dễ dàng được tạo ra”.

Khả năng tiếp cận không nên là ý nghĩ sau cùng

Theo một cách nào đó, điều này đã được Twitter công nhận. Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội khi tiết lộ họ không có bất kỳ hội nhóm chính thức nào cho khả năng tiếp cận, Twitter đã phải xác nhận việc thành lập hai nhóm khuyết tật mới: Trung tâm Tiếp cận Xuất sắc và Nhóm Tiếp cận Trải nghiệm, hoạt động dựa trên những tính năng hiện có và mới ra mắt.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng cụm từ “khả năng tiếp cận không nên là ý nghĩ sau cùng”, một lần nữa, những dòng tweet bằng giọng nói lại được triển khai mà không đi kèm chú thích hay bản dịch. Người phát ngôn của Twitter nói với tờ TechRadar rằng “vì vậy, nền tảng mạng xã hội này có thể tiếp tục tìm hiểu cách con người sử dụng âm thanh”.

Người khiếm thính bị mạng xã hội bỏ quên?

Twitter tin rằng âm thanh truyền tải sự đồng cảm theo cách không thể đạt được thông qua văn bản.

Đó là sự khởi đầu cho “cơn nghiện” cách thức giao tiếp mới trên Twitter. “Âm thanh là điều thú vị đối với chúng tôi bởi định dạng này tạo ra một loạt loại hành vi khác. Chúng tôi cho rằng âm thanh có sức mạnh, bởi sự đồng cảm ấy là điều có thật và trực diện theo cách mà bạn không thể nhận được thông qua văn bản”, Trưởng bộ phận sản phẩm Twitter – Kayvon Beykpour nói với Platform của Casey Newton.

Ashlee lại phản đối và cho rằng âm thanh không cần thiết cho sự đồng cảm. “Tôi thấy chủ đề về sự đồng cảm nghe có vẻ mỉa mai. Sự đồng cảm dành cho nhóm người không thể tiếp cận những tính năng thay đổi thế giới ở đâu? Việc họ ngày càng tập trung vào các tính năng dựa trên âm thanh vừa gây khó chịu, vừa gây ảnh hưởng xấu”, cô nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những gì bắt đầu với dòng tweet bằng giọng nói được thiết lập để tiếp diễn trên Spaces – một tính năng giống như Chatroom mà Twitter tin rằng có thể tạo ra “một trải nghiệm cộng tác nhiều hơn từ đó”. Mục đích của họ là đưa công cụ và bản ghi phương tiện lên nền tảng vào năm sau.

Trong một thông báo gửi cho trang TechRadar, Twitter nói: “Phục vụ các cuộc trò chuyện công khai đồng nghiệp với việc liên tục thực hiện các bước giúp Twitter trở nên dễ tiếp cận hơn, từ những gì chúng tôi đã xây dựng cho đến các chương trình và chính sách nội bộ áp dụng trên toàn cầu – và điều này phải bao gồm cả người khuyết tật”.

Ashlee tin rằng sự hợp nhất trong từng bộ phận kinh doanh mới là thứ giúp Twitter trở nên dễ tiếp cận hơn: “Khi khả năng tiếp cận là một bộ phận của quy trình sản phẩm, sản phẩm đó sẽ dễ tiếp cận hơn theo cách hữu cơ bởi mọi người sẽ chú ý về nó”.

Dù vậy, trong thế giới hợp nhất với tốc độ cao của mạng xã hội, người khiếm thính và có thị lực kém vẫn bị bỏ quên khi các nền tảng phát triển hoặc xem xét tính năng nào đó. Những người ủng hộ nhóm người khuyết tật vẫn cảm thấy quan điểm của họ không được lắng nghe, ngay cả khi một quyết định được coi là tác động tiêu cực đến họ.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là đang bước lùi về khả năng tiếp cận trên nền tảng mạng xã hội. Tôi ghét việc họ lắng nghe những nhà sáng tạo nói về 3 nhà sáng tạo khiếm thính khác, trong đó có cả bản thân tôi”, Youtuber khiếm thính Rikki Poynter bộc bạch.

Sự thiếu hụt về nhận thức

Youtube từng đưa ra quyết định gây tranh cãi về việc gỡ bỏ tính năng đóng góp cộng đồng – thứ cho phép người xem chú thích và dịch một video nào đó. Lý do công ty đưa ra là có người dùng trục lợi cá nhân. Youtube thực hiện quyết định nói trên bất chấp một bản kiến nghị gồm 500.000 chữ ký, các phương tiện truyền thông đưa tin và phong trào treo hashtags kêu gọi công ty không nên làm như vậy.

TikTok đang ngày càng phổ biến, nhưng những người bị khiếm thính vẫn không thể tiếp cận được.

TikTok đang ngày càng phổ biến, nhưng những người bị khiếm thính vẫn không thể tiếp cận được.

Rikkie bổ sung rằng những tính năng này chưa bao giờ được Youtube quảng bá, hoặc có thể truy cập ngay từ đầu. “Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào khi mọi người gửi phụ đề. Tôi nghĩ rằng nếu như họ quảng bá tính năng đó ngay từ đầu, mọi người sẽ chú thích hoặc có nhiều phụ đề hơn. Họ chỉ cần nâng cao nhận thực về phụ đề nói chung”, Rikkie nói.

Trong một thông báo gửi cho TechRadar, người phát ngôn Youtube cho biết khả năng tiếp cận là phần quan trọng trong nhiệm vụ của họ. “Để giúp phụ đề dễ tiếp cận hơn, chúng tôi đã di chuyển nút phụ đề sang một vị trí nổi bật hơn, ngay trên trình phát video trên điện thoại”, hãng giải thích.

Trong khi Youtube và Twitter đã phát hành một vài chức năng phụ đề thì TikTok dường như vẫn đứng ngoài cuộc, dù ứng dụng này ngày càng phổ biến trên toàn cầu.

“Cảm nhận của tôi là những phụ đề trên TikTok vẫn bất tiện đối với nhiều người. Tôi từng tham gia [Tập thể đa dạng nhà sáng tạo] – nhóm hiện không còn hoạt động nữa, nhưng có một nhóm vẫn đang nghiên cứu về tính năng này - đó là tất cả những gì tôi được phép chia sẻ”, Chrissy Marshall, một nhà sáng tạo nội dung khiếm thính trên TikTok, được biết đến với nickname Chrissy Can’t Hear – nói.

Trong các thông báo, TikTok vẫn chưa đề cập tới công cụ phụ đề.

Hãng cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là biến TikTok thành một nền tảng trực tuyến dễ tiếp cận nhất. Đó là lý do chúng tôi triển khai hàng loạt tính năng được thiết kế để cải thiện khả năng tiếp cận và tính toàn diện, bao gồm cả tính năng chuyển văn bản thành giọng nói”.

Tuy nhiên, đề xuất một công cụ chuyển văn bản thành giọng nói cho người dùng khiếm thính không phải là giải pháp tốt nhất. Tệ hơn, nó cho thấy sự thiếu hụt về nhận thức ở một số công ty kỹ thuật số hàng đầu. Nếu muốn phương tiện truyền thông xã hội trở nên dễ tiếp cận hơn với nhóm người khiếm thính và thính lực kém, thì những thay đổi cả về cấu trúc lẫn thái độ là điều cần thiết.

4/5 (1,019 lượt)

Bài viết liên quan


0913.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0913.111111