Joe Biden và bài toán khó để đánh bại Trung Quốc về công nghệ

Joe Biden và bài toán khó để đánh bại Trung Quốc về công nghệ

10-11-2020 Lượt xem: 1,752
5/5 (1,015 lượt)

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ dưới sự lãnh đạo của tân tổng thống Joe Biden cần một chiến lược bài bản hơn thời tổng thống Donald Trump để đánh bại Trung Quốc ở sân chơi công nghệ.

Trong lúc cuộc chiến bầu cử ở Mỹ vẫn còn nhiều giai đoạn chưa hoàn tất thì Trung Quốc đã và đang dần hoàn thiện các kế hoạch khôi phục kinh tế, tăng cường sức mạnh quân đội và khả năng tự lực về công nghệ.

Các đề xuất được nêu ra trong Kế hoạch 5 năm mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh thách thức lớn nhất đối với nhiệm kỳ 4 năm của tân tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trước đó, những nỗ lực của chính quyền tổng thống Donald Trump nhằm đánh bật tiến bộ công nghệ của Trung Quốc chỉ mới thành công một phần. Trớ trêu thay, đến cuối cùng, họ lại vô tình thúc đẩy Bắc Kinh phát triển những mảng công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, 5G và công nghệ sinh học.

Chiến lược chưa đủ mạnh của Donald Trump

Các chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định rằng Mỹ cần phải đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề như tiếp cận thị trường, chuyển giao công nghệ bắt buộc và nhân quyền. Nhưng nhiều người trong số đó cho rằng cách tiếp cận của xứ cờ hoa đối với Bắc Kinh nên được “thay máu”. Để cạnh tranh và hiện thực hóa khát vọng bá chủ sức mạnh công nghệ toàn cầu, tổng thống Joe Biden cần phải làm được nhiều điều hơn là chỉ giữ chân Trung Quốc.

“Toàn bộ chiến lược không thể đơn thuần chỉ là cắt đứt mạch phát triển của Trung Quốc, một phần vì Bắc Kinh sẽ đưa ra các giải pháp thay thế khác”, Susan Shirk – chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỉ 21 thuộc trường Đại học California, San Diego – nói.

Shirk cho rằng Mỹ cần nắm rõ kết quả đạt được sau những chính sách liên quan đến Trung Quốc. Ví dụ, bên cạnh việc ngăn Bắc Kinh thống trị 5G, Nhà Trắng nên vạch ra chiến lược rõ ràng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp 5G ở xứ cờ hoa. Bà cũng lập luận rằng các quan chức Mỹ giao thiệp với Trung Quốc phải hiểu rõ về công nghệ - tương tự việc có chuyên môn về vũ khí hạt nhân là mấu chốt trong chính sách của Mỹ đối với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Chiến lược đối đầu với Trung Quốc về công nghệ của chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump chỉ mới thành công một phần.

Chiến lược đối đầu với Trung Quốc về công nghệ của chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump chỉ mới thành công một phần.

Cuộc họp Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. “Điều này cho thấy các kế hoạch của chủ tịch Tập Cận Bình không phụ thuộc vào việc ai sẽ chiếm Nhà Trắng”, Jude Blanchette - Chủ tịch Freeman về Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá vấn đề.

“Hầu hết những việc chúng ta đã làm đều là chống lại Trung Quốc, trong khi đa phần động thái của Bắc Kinh không hướng tới việc phản đòn Mỹ. Trung Quốc chỉ tập trung theo đuổi các mục tiêu chiến lược dài hạn”, ông phân tích.

Chính quyền tổng thống Donald Trump đã tiến hành nhiều biện pháp đối phó với Trung Quốc về công nghệ và thương mại. Họ tăng cường lệnh trừng phạt lên Huawei – “gã khổng lồ viễn thông” của Trung Quốc. Huawei bị coi là mối đe dọa an ninh hàng đầu, do công ty này đóng vai trò đầu tàu cung cấp phần cứng 5G, cùng mối quan hệ được cho là khăng khít với Bắc Kinh.

Lệnh trừng phạt mới nhất đưa ra vào hồi tháng 8 tập trung vào việc cấm xuất khẩu chip được sản xuất bằng phần mềm và thiết bị chế tạo của Mỹ đối với Huawei. Động thái này hướng tới mục tiêu cắt đứt nguồn cung bộ vi xử lý tiên tiến nhất từ hãng công nghệ này cho các thiết bị, chẳng hạn như điện thoại thông minh. Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục các đồng minh châu Âu loại bỏ công nghệ của Huawei khỏi mạng không dây.

Các thành tích khác của chính quyền Trump liên quan đến các vấn đề công nghệ Trung Quốc là một mớ hỗn độn. Tháng 10/2019, chính phủ Mỹ hạn chế xuất khẩu đối với các công ty Trí tuệ Nhân tạo thuộc chính quyền Bắc Kinh - những công ty bị cáo buộc cung cấp công nghệ giám sát cho cuộc đàn áp cộng đồng Hồi giáo tại Tân Cương. Cuộc tấn công của chính quyền Trump vào nền tảng chia sẻ video của Trung Quốc - Tik Tok, dựa trên các luận điệu đáng ngờ liên quan tới nguy cơ an ninh, đã dẫn tới thương vụ mua bán cưỡng ép cho Oracle và Walmart. Từ đó đến nay, nó đã biến thành một mớ bòng bong.

Việc hạn chế các công ty Trung Quốc mua chip với công nghệ Mỹ chỉ làm tăng cam kết của Bắc Kinh trong việc sử dụng ngân sách lớn hơn, nhằm nâng cao khả năng tự sản xuất chip. OECD nhận định rằng chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 200 triệu USD cho ngành công nghiệp sản xuất chip nội địa từ năm 2014 đến 2018. Con số đó được thiết lập để phát triển theo Kế hoạch Sản xuất của Bắc Kinh tại Trung Quốc vào năm 2025, đặt ra yêu cầu sản xuất 70% chip tại nội địa trong thời gian đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ mất hàng thập kỷ hoặc hơn để đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này, do thách thức kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất thành phần silicon mới nhất.

“Chính phủ Trung Quốc sẽ buộc phải tập trung nhiều hơn vào công nghệ và sự cải tiến”, Huiyao Wang - chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, có trụ sở tại Bắc Kinh kiêm cố vấn kinh tế cho chính phủ Trung Quốc - nói.

Wang giải thích rằng Bắc Kinh phải thúc đẩy tiến bộ công nghệ để nâng cao mức sống của người dân và tìm cách tăng cường thương mại cùng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia khác ngay cả khi Mỹ vẫn có thái độ thù địch. Theo lời Wang, trí tuệ nhân tạo, big data, internet, 5G – tất cả đều thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Bài toán cho Joe Biden

Bài toán đặt ra cho Biden là liệu ông sẽ chọn nhân đôi sức mạnh của các lệnh hạn chế hay gạt bỏ nó và áp dụng cách tiếp cận khôn ngoan hơn. Nhiều chuyên gia đồng tình rằng cần có một cách tiếp cận quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.

Nhiều năm qua, các chính sách khuyến khích Bắc Kinh mở cửa thị trường, thay đổi chính sách chuyển giao công nghệ và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền đều đã thất bại. Dẫu vậy, vẫn có một sự đồng thuận giữa nhiều cánh tay giàu kinh nghiệm về Trung Quốc rằng Mỹ cần nhiều chiến lược hơn.

Anja Manuel - cựu quan chức Bộ Ngoại giao, người đồng sáng lập Rice, Hadley, Gates & Manuel, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về chính sách đối ngoại – nhận xét: “Các bước đi của Mỹ trước đó gần như chỉ mang tính phòng thủ”.

Joe Biden sẽ phải đối mặt với bài toán khó.

Joe Biden sẽ phải đối mặt với bài toán khó.

Bất chấp chiến dịch tranh cử tổng thống và bầu cử gay gắt, Biden có vẻ như sẽ nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng cho những nỗ lực nhằm thách thức Trung Quốc về công nghệ. “Tôi nghĩ họ sẽ tìm cách làm sao để nó trở nên đa phương hơn”, Eric Sayers - thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết.

Sayers nhận định rằng điều này có thể, chẳng hạn như, liên quan tới việc kiểm soát xuất khẩu con chip cũng như liên minh sản xuất với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Manuel và những chuyên gia khác đề xuất Mỹ thúc đẩy quỹ đầu tư vào R&D – vốn đã chìm xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây. Mức chi cho R&D của chính phủ Mỹ hiện chỉ ở mức 0.7% trong GDP, giảm so với 2% của GDP trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Quan điểm của tôi là bạn phải giải quyết điều đó bằng cách nhân đôi sức mạnh của những gì mà chúng ta đã làm lên mức tốt nhất”, Manuel phát biểu.

Blanchette đồng tình với ý kiến ấy và bổ sung rằng Mỹ cần một hình thức “chính sách công nghiệp công nghệ”. “Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ buộc phải tính toán về điều này” – Blanchette nói.

Manuel gợi ý Mỹ nên tách riêng các mảng công nghệ quyết định đến năng lực cạnh tranh, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và tăng trưởng kinh tế, cùng với khu vực mà Trung Quốc có ưu thế hơn.

Cô chỉ ra rằng công nghệ tài chính là một lĩnh vực mà Trung Quốc sở hữu nhiều gã khổng lồ, chẳng hạn như Ant Financial. Đó lại là nơi các công ty Mỹ bị cản trở bởi sự cạnh tranh từ những người đương nhiệm và cơ sở hạ tầng tài chính hiện có, thứ mà Trung Quốc đang thiếu. “Nếu Mỹ và phương Tây – không cho phép các công ty sáng tạo tài chính phát triển, chúng ta sẽ nắm bắt được một thời điểm 5G khác”, Manuel nói.

5/5 (1,015 lượt)

Bài viết liên quan


0913.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0913.111111