Kỷ nguyên 5G có giúp Microsoft gặp may lần thứ 3 trong lĩnh vực viễn thông?

Kỷ nguyên 5G có giúp Microsoft gặp may lần thứ 3 trong lĩnh vực viễn thông?

16-11-2020 Lượt xem: 1,585
4/5 (1,008 lượt)

Trong nhiều năm, Microsoft đã thử nghiệm và thất bại trong việc áp đảo thị trường viễn thông tiêu dùng. Thương vụ mua lại Skype với giá 8.5 tỷ USD vào năm 2011 là nỗ lực được biết đến nhiều nhất, góp phần tạo ra một dịch vụ nghe gọi video qua internet trên điện thoại thống trị thời điểm đó.

Thế nhưng Skype dần đánh mất ngôi vương qua nhiều lần tái thiết kế, thay đổi chiến lược và các lỗ hổng sản phẩm. Điều này giúp loạt đối thủ như Zoom, Hangouts và Teams - một nền tảng khác của Microsoft - có cơ hội bật lên.

Hai năm sau, một nỗ lực khác nhằm đánh bại Apple để bá chủ ngành smartphone từ Microsoft thậm chí còn thất bại nặng nề hơn. “Gã khổng lồ công nghệ” bỏ ra 7.2 tỷ USD để mua lại mảng điện thoại di động của Nokia nhưng không thu về kết quả khả quan. Giám đốc điều hành Satya Nadella đã quyết định đóng cửa bộ phận này sau khi ông nắm giữ chức vụ cao nhất tại Microsoft.

Sau đó, Microsoft tiếp tục thất bại khi cố chen chân vào thị trường hệ điều hành cho điện thoại di động với Windows Mobile – được coi là giải pháp thay thế độc quyền cho Apple – Android, chỉ được áp dụng cho một bộ phận nhỏ của điện thoại thông minh trên thế giới.

Song, Microsoft không tỏ ra sốt sắng ở mảng viễn thông. Thay vào đó, hãng chuyển sự chú ý sang thị trường doanh nghiệp và chính các nhà mạng.

Những cú bắt tay đầy giá trị

Năm ngoái, Microsoft bắt tay với các nhà khai thác bao gồm Verizon, Vodafone và Deutsche Telekom nhằm hỗ trợ họ triển khai các mạng dựa trên 5G chuyên dụng mới, hướng tới các khách hàng doanh nghiệp trong thị trường như các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu.

Microsoft hợp tác với nhiều nhà khai thác viễn thông lớn vào năm ngoái.

Microsoft hợp tác với nhiều nhà khai thác viễn thông lớn vào năm ngoái.

Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp để mắt tới 5G vì tiềm năng chuyển đổi hoạt động của họ, việc giảm thiểu tối đa sự chậm trễ trong truyền tải dữ liệu qua mạng còn quan trọng hơn thị trường tiêu dùng, nơi công nghệ không dây mới nhất đã bắt đầu thu hút sự chú ý do sự ra đời của mẫu Iphone mới. Với Yousel Khalidi – phó chủ tịch mới của Microsoft Azure thì việc đẩy mạnh thị trường là “địa phận tự nhiên của Microsoft” vì 5G đòi hỏi nhiều sức mạnh thuật toán hơn.

Microsoft đang quảng bá cho chính mình với tư cách là đối tác của các nhà khai thác mạng, cam kết hạn chế sự chậm trễ bằng cách xây dựng các trung tâm dữ liệu, giúp củng cố mạng 5G và gắn kết hơn với các khách hàng doanh nghiệp. Hồi tháng trước, công ty đã ra mắt một phiên bản của dịch vụ đám mây công cộng Azure, đặt mục tiêu vào công nghiệp viễn thông như một tín hiệu cho kế hoạch tương lai.

Tuy nhiên, cuộc tấn công của Microsoft đang tạo ra bầu không khí căng thẳng. Ông Khalidi khẳng định rằng công ty đã phải khiêm tốn trong cách tiếp cận quyền sở hữu Skype, và một số nhà mạng có thể coi đó như là đối thủ tiềm năng trong thị trường doanh nghiệp 5G có khả năng sinh lời.

“Chúng tôi hiểu được rằng ranh giới của mình ở đâu. Chúng tôi không phải là nhà khai thác và sẽ không bao giờ trở thành nhà khai thác. Chúng tôi là công ty phần mềm, cung cấp tất cả các điểm kiểm soát mà nhà mạng mong muốn. Các nhà mạng hoàn toàn nắm giữ khách hàng của chính họ”, vị phó chủ tịch nói.

Microsoft không phải là công ty duy nhất nuôi tham vọng đó. Google, Microsoft, Amazon và IBM – được mệnh danh là “những kẻ siêu cấp” trong ngành – đều đang sử dụng vị thế của họ trong đám mây công cộng như một bàn đạp để tận dụng nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp đối với các dịch vụ 5G.

Dự đoán tăng trưởng đám mây nạng trong các năm tới.

Dự đoán tăng trưởng đám mây mạng trong các năm tới.

Dù chỉ có giá trị bằng một phần doanh thu quý hiện tại của họ, nó vẫn có thể “đẻ” ra lợi nhuận và tăng trưởng nhanh chóng. Nhóm nghiên cứu Analysys Mason dự đoán rằng thứ mà họ gọi là thị trường “đám mây mạng”, bao gồm các chức năng phần mềm và cơ sở hạ tầng đám mây, sẽ có giá trị khoảng 36 tỷ USD vào năm 2025 và có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm khoảng 40%.

Động lực cho các “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ

Việc áp lực đè nặng buộc các công ty viễn thông phải cắt đứt quan hệ với Huawei – một thế lực sừng sỏ trong thị trường điện toán đám mây châu Âu – đã tiếp thêm động lực cho các “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ trong kỷ nguyên 5G.

“Huawei bị hất cẳng ra ngoài và tất nhiên, có một chỗ trống. Sẽ có một sự lấn sân trong lĩnh vực này, một sự leo thang từ các nhà cung cấp siêu cấp ngành”, Sylvain Fabre – chuyên gia phân tích ở Gartner – nói. Microsoft đã tiến một bước xa hơn các đối thủ như IBM và thúc đẩy phát triển phần mềm để tự vận hành mạng viễn thông của hãng.

Năm nay, hãng đã mua lại hai công ty chuyên biệt – Metaswitch và Affirmed Networks. Động thái này đã đưa hãng vào vị trí trung tâm của sự hội tụ gia tăng giữa viễn thông và công nghệ trong kỷ nguyên 5G. Những thương vụ này cũng đưa Microsoft bước vào mối quan hệ cạnh tranh gay gắt hơn với Nokia, Ericsson và Huawei.

Microsoft đang nuôi tham vọng về viễn thông?

Microsoft đang nuôi tham vọng về viễn thông?

Khalidi – một “chiến binh” dày dặn kinh nghiệm của Microsoft, người hỗ trợ phát triển sản phẩm đám mây gốc Azure của công ty dưới cái tên mã “red dog” - nhận định rằng các thương vụ mua bán đã giúp xây dựng một “thương hiệu gia đình” trong lĩnh vực này, mang về cho họ hàng trăm kỹ sư chuyên nghiệp và mạng lưới gồm nhiều mối quan hệ.

Caroline Chappell – một chuyên gia phân tích đến từ Analysys Mason – lập luận rằng cơ hội cho những công ty như Microsoft đã vượt ra ngoài mối quan hệ thỏa thuận như thứ mà họ đã ký vào tháng trước với Verizon – công ty viễn thông lớn nhất nước Mỹ, nhằm kết hợp 5G với điện toán đám mây.

Với việc ngày càng nhiều tập đoàn viễn thông xây dựng 5G như một hệ thống dựa trên phần mềm tách biệt khỏi các yếu tố phần cứng – một quá trình gọi là ảo hóa sẽ xuất hiện (một số nhà mạng có thể tùy chọn đặt mạng của họ trên đám mây công cộng hơn là trên chính trung tâm dữ liệu của họ). “Phần thưởng lớn nhất mà các nhà cung cấp đám mây công cộng theo đuổi chính là mạng viễn thông”, Chappell nhận định.

Con dao hai lưỡi

Tuy nhiên, với những nhà khai thác mạng, mối quan tâm từ các gã khổng lồ công nghệ là con dao hai lưỡi. Trong gần 2 thập kỷ qua, họ đã chống lại các tập đoàn công nghệ lớn – những người đã đe dọa kế sinh nhai của họ thông qua việc cung cấp các ứng dụng gọi và nhắn tin. Và một số vẫn còn cảnh giác.

José María Alvarez-Pallete – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Telefónica của Tây Ban Nha đã đưa ra một “tấm khiên” giúp chống chọi với sức mạnh của các công ty công nghệ trong lĩnh vực dữ liệu, tại hội nghị chung của Thời báo Tài chính và Hiệp hội các nhà khai thác mạng viễn thông châu Âu vào tháng trước.

Bằng cách chỉ ra sự chênh lệch về định giá giữa lĩnh vực viễn thông đang thu hẹp và ngành công nghệ đang bùng nổ, ông kêu gọi Ủy ban châu Âu “chấm dứt việc trưng thu các mạng thế hệ mới” trong khi ủng hộ động thái từ Brussels nhằm ban hành các quy định phù hợp hơn với các gã khổng lồ công nghệ. “Đó là biện pháp đúng đắn”, José María Alvarez-Pallete khẳng định.

Kỷ nguyên 5G có giúp Microsoft gặp may lần thứ 3 trong lĩnh vực viễn thông?

José María Alvarez-Pallete – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Telefónica Tây Ban Nha.

Dựa vào quyền sở hữu Skype, Microsoft được coi là “kẻ cạnh tranh từ ngoài biên giới”, theo lời một chuyên gia viễn thông. Việc công ty cỏ thể nhắm vào mục tiêu trực tiếp là một phần của thị trường viễn thông, chẳng hạn như cung cấp mạng riêng cho các doanh nghiệp, chỉ khiến các tập đoàn viễn thông thêm lo lắng về dự định cuối cùng của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

“Chúng ta không biết họ thực sự muốn làm gì”, vị chuyên gia bổ sung.

Thật vậy, một số người cho rằng Microsoft có tiềm năng tiến sâu hơn nữa vào lĩnh vực viễn thông. CCS Insight – công ty nghiên cứu – đã gợi ý rằng hãng công nghệ Mỹ có thể thực hiện động thái đối lập với tập đoàn Nokia Phần Lan, trở thành một công ty thiết bị viễn thông chính thức cung cấp đám mây, phần mềm và thiết bị radio.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ - William Barr - nói rằng Mỹ, trực tiếp hoặc thông qua các công ty Mỹ, nên cân nhắc việc mua lại cổ phần của Nokia hoặc Ericsson để xây dựng một đối thủ cạnh tranh quốc tế mạnh hơn với Huawei. Bất kỳ động thái nào như vậy đều đại diện cho nỗ lực của bên thứ ba của Microsoft nhằm sử dụng Nokia như một phương tiện dẫn lối tới một vị trí tốt hơn ở lĩnh vực viễn thông sau khi hệ điều hành và thiết bị di động của hãng phát triển.

Tuy nhiên, Khalidi phủ nhận quan điểm rằng tập đoàn này có thể mua cổ phần của Nokia, đồng thời khẳng định Microsoft nhiều khả năng sẽ tiếp tục hợp tác với các công ty phần cứng trong lĩnh vực chip và radio. “Chúng tôi biết giới hạn của mình ở đâu,” ông nói.

4/5 (1,008 lượt)

Bài viết liên quan


0913.111111

Chỉ đường

Chat FB

Chat Zalo

0913.111111